Trong các thị trường tài chính, thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính ổn định của các loại tài sản. Do đó, bên cạnh người mua và người bán, thị trường còn xuất hiện một bên thứ ba để duy trì tính thanh khoản của thị trường, đó chính là Market Maker. Vậy Market Maker là gì? Hãy cùng Kiến Thức Trader tìm hiểu ngay nhé!
Market Maker là gì?
Market Maker viết tắt là MM, là cá nhân hoặc tổ chức có nguồn vốn và kinh nghiệm đáng kể chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch và tạo thanh khoản cho thị trường tài chính. Nhiệm vụ chính của họ là mua và bán tài sản như token, cổ phiếu, trái phiếu, ngoại hối và hàng hóa với giá cố định trước đó, nhằm tạo điều kiện cho việc mua bán tài sản trở nên dễ dàng hơn và thị trường có thanh khoản cao hơn.
Market Maker thường duy trì sự chênh lệch nhỏ giữa giá mua – giá bán và cung cấp tính thanh khoản cho thị trường. Điều này thu hút nhiều người mua và người bán hơn, dẫn đến tăng khối lượng giao dịch. Sự gia tăng này sẽ mang lại lợi nhuận cho Market Maker.
Vai trò của Market Maker là đảm bảo sự linh hoạt và thanh khoản của một loại tài sản, giúp thị trường hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn. Thông thường, Market Maker sẽ nhận phí hoa hồng cho các giao dịch mà họ thực hiện và có thể kiếm lợi từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán của họ.
Cách hoạt động của Market Maker
Market Maker hoạt động bằng cách mua và bán tài sản với các mức giá được thiết lập trước, gọi là giá thầu (bid price) và giá chào (ask price). Giá thầu là giá mà Market Maker sẵn sàng mua tài sản, trong khi giá chào là giá mà họ sẵn sàng bán tài sản.
Khi một nhà đầu tư muốn bán tài sản, họ đặt lệnh bán với giá thầu. Market Maker có thể khớp lệnh này với lệnh mua của một nhà đầu tư khác hoặc tự mua tài sản từ nhà đầu tư đó với giá thầu.
Ngược lại, khi một nhà đầu tư muốn mua tài sản, họ đặt lệnh mua với giá chào. Market Maker có thể khớp lệnh này với lệnh bán của một nhà đầu tư khác hoặc tự bán tài sản cho nhà đầu tư đó với giá chào. Điều này tạo ra một cơ chế linh hoạt cho thị trường, giúp đảm bảo tính liên tục của hoạt động giao dịch và tăng thanh khoản.
Market Maker kiếm lợi nhuận từ đâu?
Market Maker kiếm lợi nhuận chủ yếu thông qua 2 phương thức:
- Chênh lệch giá (spread): Đây là cách kiếm lợi nhuận phổ biến nhất của Market Maker. Họ thiết lập giá thầu thấp hơn so với giá chào một khoảng nhỏ. Khi có nhà đầu tư đặt lệnh mua tài sản ở giá chào, Market Maker sẽ khớp lệnh mua này với lệnh bán được đặt ở giá thầu. Từ đó, Market Maker sẽ thu được lợi nhuận từ sự chênh lệch giữa các giá mua và bán.
- Phí hoa hồng: Market Maker cũng kiếm tiền bằng cách tính phí hoa hồng cho mỗi giao dịch mà họ thực hiện, đặc biệt là với các nhà đầu tư lớn hoặc các giao dịch có khối lượng lớn.
Market Maker cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách tăng khối lượng giao dịch. Để làm được điều này, họ thường sử dụng các chiến lược marketing như pump – dump token, nhằm tạo ra hiệu ứng FOMO để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường. Điều này giúp tăng thanh khoản và tạo ra cơ hội kiếm lợi nhuận cho Market Maker.
Tại sao Market Maker lại quan trọng?
Market Maker đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thanh khoản cho các loại tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền điện tử, vì thanh khoản là yếu tố cần thiết để đảm bảo tính liên tục và ổn định của thị trường tài chính. Khi một loại tài sản có thanh khoản cao, nhà đầu tư có thể dễ dàng mua bán với giá cả hợp lý và ít rủi ro hơn.
Trong giai đoạn đầu khi một loại tài sản mới được niêm yết, thanh khoản của chúng thường rất thấp. Market Maker đóng vai trò là bên trung gian cung cấp thanh khoản cho thị trường bằng cách mua và bán tài sản đó. Họ giúp kết nối người mua và người bán, tạo điều kiện cho giao dịch diễn ra thuận lợi. Dưới đây là một số lợi ích mà Market Maker mang lại cho thị trường:
- Tạo thanh khoản: Market Maker liên tục mua và bán tài sản với giá cả hợp lý, giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán tài sản đó.
- Thu hút nhà đầu tư: Khi một loại tài sản có thanh khoản cao, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn để giao dịch, thu hút thêm nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
- Giảm thiểu rủi ro: Market Maker luôn sẵn sàng thực hiện giao dịch khi có nhà đầu tư muốn mua hoặc bán tài sản, đảm bảo các giao dịch diễn ra một cách an toàn và hiệu quả, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
- Tạo ra sự cạnh tranh: Các Market Maker cạnh tranh với nhau để cung cấp thanh khoản tốt nhất cho thị trường, tạo ra sự cạnh tranh và giá cả hợp lý cho nhà đầu tư.
- Tăng tính minh bạch của thị trường: Market Maker cung cấp thông tin về giá cả và khối lượng giao dịch của tài sản, tăng tính minh bạch của thị trường và giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn.
Automated Market Maker là gì?
Auto Market Makers (AMM) là một phiên bản cải tiến của Market Maker, sử dụng công nghệ blockchain để tự động hóa quá trình tạo lập thị trường thông qua các giao thức trao đổi phi tập trung (DEX). AMM dựa trên các công thức toán học để đặt giá tài sản, cho phép giao dịch diễn ra một cách liền mạch và xuyên suốt mà không cần phải thực hiện các quy trình xác minh danh tính (KYC) phức tạp.
Mặc dù có phí giao dịch cao hơn so với Market Maker truyền thống, nhưng AMM sẽ giúp tăng cường tính thanh khoản và sự linh hoạt cho thị trường tiền điện tử và các tài sản khác.
Trong cơ chế của AMM, không có khái niệm về người bán. Thay vào đó, các hợp đồng thông minh sẽ hoạt động như trung gian. Người dùng muốn bán tài sản của họ sẽ đặt tài sản đó vào một nguồn cung gọi là pool thanh khoản. Sau đó, người mua sẽ thực hiện việc trao đổi tài sản của họ với tài sản trong pool thông qua các hợp đồng thông minh. Điều này tạo ra một quy trình giao dịch trực tiếp giữa người dùng mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba trung gian.