White paper là một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực đầu tư tiền điện tử. Dựa vào đó, các traders có thể xác định tiềm năng ban đầu của một dự án và quyết định có nên đầu tư hay không. Vậy White paper là gì? Hãy cùng Kiến Thức Trader tìm hiểu nhé!
White paper là gì?
White paper (hay còn được gọi là sách trắng) là một tài liệu cung cấp thông tin được phát hành bởi cơ quan chức năng có uy tín và thẩm quyền trong một lĩnh vực nhất định. Chức năng chính của white paper là cung cấp các thông tin quảng bá và nhấn mạnh các đặc tính, tính năng của một giải pháp, sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.
Trong lĩnh vực marketing và kinh doanh, sách trắng thường được sử dụng như một công cụ để thuyết phục và thu hút các khách hàng tiềm năng. Đặc biệt trong lĩnh vực tiền điện tử, white paper là một bản tóm tắt chi tiết về dự án ICO (Initial Coin Offering) của một công ty hoặc nhóm, bao gồm công nghệ, mục đích và các chi tiết quan trọng khác liên quan đến dự án.
Thông qua sách trắng, các nhà đầu tư có thể thu thập các thông tin quan trọng như nguồn gốc của dự án, các đặc điểm kỹ thuật và mục đích của tiền điện tử đó. Đây là một tài liệu quan trọng và cần thiết mà các dự án tiền điện tử cần có để giới thiệu và làm rõ về dự án của họ. Sách trắng giúp đánh giá tính khả thi và tiềm năng của dự án, đồng thời cũng là một công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về khoản đầu tư của mình.
Những nội dung có trong White paper là gì?
White paper trong lĩnh vực tiền điện tử thường bao gồm các mục sau:
- Giới thiệu dự án: Phần này trình bày vấn đề mà dự án nhắm đến và giải pháp mà nó cung cấp. Bao gồm các thông tin chi tiết về sản phẩm, và phân tích thị trường để xác định nhu cầu và sự phù hợp của sản phẩm đối với thị trường.
- Mô tả kỹ thuật: Đây là phần quan trọng nhất của white paper, giúp người đọc hiểu rõ về cơ chế hoạt động của dự án. Bao gồm các thông tin về công nghệ cốt lõi, các thành phần, tính năng và vai trò của chúng trong việc giải quyết vấn đề ban đầu.
- Tokenomics: Phần này cung cấp thông tin về token của dự án, bao gồm blockchain mà nó được phát hành, tổng cung, các trường hợp sử dụng (use case), lịch trình phân phối và kế hoạch mở bán (nếu có).
- Lộ trình phát triển (Roadmap): Phần này đưa ra kế hoạch phát triển trong tương lai của dự án, bao gồm các sự kiện quan trọng như ra mắt sản phẩm hoặc tính năng mới, phát hành token và các giai đoạn phát triển tiếp theo.
- Đội ngũ phát triển và cố vấn: Phần này giới thiệu về những người sáng lập, các thành viên trong đội ngũ phát triển và cố vấn của dự án. Thông tin này quan trọng để đánh giá khả năng chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực của đội ngũ trong việc thực hiện dự án.
Mỗi dự án có thể có cấu trúc white paper khác nhau tùy thuộc vào mục đích và chiến lược của họ. Các thông tin được cung cấp trong white paper có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp với xu hướng thị trường và phản hồi từ cộng đồng người dùng.
Ví dụ: dự án Origin Protocol ban đầu tập trung vào thương mại điện tử, nhưng sau đó chuyển đổi thành nền tảng NFT để phù hợp với xu hướng mới nhất của thị trường.
Ví dụ về white paper
Có một số white paper nổi tiếng mà bạn có thể tham khảo, như white paper của Bitcoin và white paper của Ethereum – hai dự án thành công nhất trên thị trường tiền điện tử hiện nay. White paper của Bitcoin được xuất bản vào năm 2008 bởi tác giả ẩn danh Satoshi Nakamoto. Nó không chỉ là một “sách trắng” theo nghĩa truyền thống mà còn được coi là một bài báo học thuật.
Trong khi đó, white paper của Ethereum có sự khác biệt khi được cập nhật và chỉnh sửa liên tục. Do đó, nó đã chuyển từ dạng sách trắng sang một tài liệu hướng dẫn và tài liệu kỹ thuật tham khảo.
Ngoài hai dự án này, nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu thêm qua các white paper của các dự án khác như Quoine, DigixDAO để có thêm kiến thức trước khi lựa chọn các dự án tiềm năng để đầu tư.
Các chức năng của White paper là gì?
White paper là một tài liệu kỹ thuật không thể thiếu đối với bất kỳ dự án crypto nào khi ra đời. Các chức năng cơ bản của white paper bao gồm:
- Lưu trữ thông tin dự án chính xác: White paper giữ vai trò như một hồ sơ gốc, lưu giữ bản thảo ban đầu của dự án. Thông tin được cung cấp trên các website thường không chính xác như white paper do tổ chức hoặc doanh nghiệp phát hành. Nó cung cấp một cơ sở minh bạch và đầy đủ về các thay đổi, điều chỉnh và sửa đổi liên quan đến dự án crypto, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tham khảo.
- Gọi vốn và thu hút đầu tư: Trong lĩnh vực ICO, white paper đóng vai trò quan trọng trong việc gọi vốn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường tiền điện tử. Thông tin chi tiết trong white paper sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ về sản phẩm mà họ đang đầu tư vào, giúp tăng cường niềm tin và củng cố quyết định đầu tư của họ.
So sánh White paper và Lite paper
Lite paper (hay còn được gọi là lightpaper) là một tài liệu chính thức chứa thông tin chi tiết về token và dự án, nhưng được xem là phiên bản rút gọn của white paper. Lite paper có bản chất tương tự như white paper với các thông tin cơ bản về dự án và token. Tuy nhiên, cách trình bày và giải thích của litepaper được thiết kế đơn giản hơn, ngắn gọn hơn so với whitepaper.
Trong lite paper, trọng tâm được đặt nhiều hơn vào các tính năng chính và giải pháp cho các vấn đề, lợi ích của token mà không đi sâu vào các khía cạnh kỹ thuật như white paper. Thông tin về dự án trong lite paper thường được minh họa bằng cách “nhẹ nhàng”, dễ hiểu hơn cho người đọc.
Litepaper phục vụ cho nhiều đối tượng hơn, trong khi white paper thường thu hút những nhà đầu tư và nhà phát triển quan tâm đến nghiên cứu chi tiết về dự án. Không có quy định nào bắt buộc dự án phải có white paper hoặc lite paper. Một số dự án có thể cung cấp cả hai loại tài liệu, trong khi số khác chỉ có một trong hai.